info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Chính sách thu hút đầu tư của việt nam năm 2020

Chủ đề 2: Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam 2020

Việt Nam là một trong những quốc gia đầy tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Nhà nước cũng đã mở cửa thị trường kinh tế, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài bằng những chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư. Các chính sách này chính là đòn bẩy lớn trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cấp hệ thống công nghệ, tạo ra nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao. Trong những thời gian gần đây, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam năm 2020 đã đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.

Mục đích của chính sách thu hút đầu tư:

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đồng nghĩa với việc mở cửa cơ chế thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư nhằm khuyến khích phát triển kinh tế, thu hút các nguồn vốn FDI, nâng cấp cơ sở hạ tầng kém phát triển, nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động.

Vì vậy, những chính sách về ưu đãi đầu tư được ban hành là một điều cần thiết trong bối cảnh phát triển, hội nhập kinh tế thế giới.

Các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam 2020 hiện nay

Việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài được cụ thể hóa qua các quy định tại các văn bản pháp luật. Có thể kể đến như: Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật thuế xuất nhập khẩu 2016, và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Cụ thể, các ưu đãi đầu tư để thu hút nguồn vốn FDI hiện nay là: miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cho thuê đất với mức giá ưu đãi. Theo đó, để xác định chế độ ưu đãi đầu tư với từng dự án thì dựa vào những tiêu chí sau:

Thứ nhất, dựa vào địa điểm đầu tư. Đối với các dự án diễn ra ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, một số khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghiệp cao thì mức ưu đãi sẽ được hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, dựa vào lĩnh vực kinh doanh. Chính sách của Nhà nước đã quy định một số ngành nghề khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Thứ ba, dựa vào số lượng việc làm tạo ra. Ví dụ các dự án đầu tư tại vùng nông thôn mà sử dụng từ 500 lao động trở lên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi.

Thứ tư, dựa vào tổng mức đầu tư. Ví dụ các dự án sản xuất lớn mà tổng vốn đầu từ sáu nghìn tỷ trở lên và đáp ứng một số điều kiện khác cũng sẽ là tiêu chí xác định hưởng mức ưu đãi đầu tư.

Tóm lại, các chính sách ưu đãi đầu tư cũng góp phần nhằm phát triển kinh tế tại Việt Nam, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn khó khăn ở Việt Nam.

Thực tiễn thực hiện chính sách thu hút đầu tư năm 2020

Những thành quả đạt được

Trong những năm vừa qua, nhờ có chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn lợi nhuận từ việc thu hút vốn FDI đã tăng lên đáng kể.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, trong vòng 04 tháng gần đây của năm 2020, vốn FDI đăng ký vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016 đến 2018. Cụ thể, tăng 52,3% so với năm 2018, tăng 16,4% so với năm 2017 và tăng 79% so với năm 2016.

Nhìn chung, trong 04 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” vốn vào 18 ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt trong đó là lĩnh vực chế biến, chế tạo với mức vốn đầu tư đạt gần 6 tỷ đồng. Đất nước đang dẫn đầu về tỷ lệ vốn đầu tư vào Việt Nam là Singapore, tiếp đến là Thái Lan và với vị trí thứ ba là Nhật Bản.

Mặc dù mới đây, nền kinh tế của Việt Nam bị tác động khá nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, song tỷ lệ vốn ngoại đổ vào Việt Nam vẫn gia tăng và giúp Việt Nam giữ vững được vị thế trên toàn thế giới.

Một số vướng mắc, hạn chế

Mặc dù Việt Nam đang có những chính sách ưu đãi cao trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo và sản xuất phần mềm nhưng đến nay, tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này là khá thấp.

Hay bên cạnh đó, một thực tế đáng quan tâm là tại các địa bàn khó khăn, kém phát triển, chế độ ưu đãi đầu tư cao nhưng số liệu thực tế lại thể hiện rằng, tỷ trọng thu hút vốn rất thấp. Những địa bàn này ít có khả năng thu hút vốn đầu tư là do những hạn chế về địa lý, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là nguồn nhân lực, không thuận tiện cho giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Không những thế, hiện nay vẫn còn tình trạng chuyển giá, báo lỗ từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Thực trạng cho thấy, do chính sách thuế ngắn đặt ra thời hạn nên xu hướng chỉ thu hút các nhà đầu tư ngắn hạn. Sau khi hết kỳ ưu đãi, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang để đầu tư dự án mới để tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi thuế.

Chiến lược để khắc phục hạn chế

Thứ nhất, định hướng thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo việc thực thi chính sách ưu đãi trên thực tế. Tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, đa dạng hóa mô hình hợp tác có hiệu quả và nâng cao kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, cần thêm nhiều chế độ ưu đãi hơn nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ để tạo vị trí cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ tư, cho phép địa phương được chủ động trong việc ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp với điều kiện địa hình, nhu cầu của địa phương đó. Giúp địa phương tự chủ động thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý về đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thực tế. Hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thành lập công ty.