info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Tội vô ý làm chết người

Vô ý làm chết người là hành vi của 01 người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người do không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hoặc tuy biết hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm quyền sống của con người.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi do cẩu thả hoặc quá tự tin mà gây ra cái chết cho nạn nhân. Hành vi khách quan tương tù như hành vi thực hiện tội phạm giết người, chỉ khác nhau ở mặt chủ quan. Ví dụ: người đi săn tưởng người là thú nên đã bắn nhầm làm chết người. 01 người mở cửa sổ, cánh cửa đã đập vào đầu cháu bộ đang chơi bên đường làm cháu bộ bị chết. Hậu quả chết người là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người cần phải được làm rõ trong mặt khách quan của tội phạm.
Chú ý: Bộ luật hình sự quy định hành vi vô ý làm chết người trong một số lĩnh vực hành chính thì không phạm tội vô ý làm chết người mà phạm những tội riêng như tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 260); tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 267); tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 272); tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay (Điều 216); tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295), v.v..
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Đây là điểm đặc trưng của tội phạm được thể hiện ngay trong tên gọi của tội phạm này.
Hình phạt:
Điều 128 quy định 02 khung hình phạt:
– Khung 1: quy định trường hợp làm chết 01 người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng. Như vậy, khoản 1 của Điều 128 đã quy định hai loại hình phạt là cải tạo không giam giữ và phạt tù đây là điểm khác biệt so với Điều 98 của Bộ luật hình sự năm 1999.
– Khung 2: quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp làm chết từ 02 người trở lên.
Chú ý: Người có hành vi vô ý làm chết người trong sinh hoạt thông thường thì phạm tội vô ý làm chết người, nếu hành vi vô ý làm chết người nhưng do họ vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì không phạm tội này mà phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129).