info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý như thế nào

Một trong những hành vi thường thấy của những  người dùng mạng xã hội hiện nay là bôi nhọ danh sự người khác. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Vậy, hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Minh Anh sẽ làm rõ vấn đề này.

Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý như thế nào

Thế nào là hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội?

– Danh dự nhân phẩm của một cá nhân được pháp luật bảo vệ, điều này được quy định rõ ràng trong Bộ luật dân sự năm 2015. Cá nhân, tổ chức bất kỳ có hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội là hành vi hạ thấp, làm cho danh dự của người khác xấu đi thông qua phương tiện là mạng xã hội.

– Những hình thức biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, có thể là những lời nói, ngôn từ có tính chất thóa mạ, xỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự, xúc phạm nhân phẩm như nhạo báng, những hành vi có tính chất bỉ ổi xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người khác qua hình thức truyền thông là mạng xã hội. Người vi phạm có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật và có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của người khác như đưa ra thông tin người khác có hành vi thiếu đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật mặc dù người đó không có hành vi này. Hình thức đưa ra thông tin ở đây là qua phương tiện mạng xã hội. Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội không chỉ là dạng hành vi của người trực tiếp tự đưa ra thông tin không đúng sự thật và có nội dung xúc phạm mà kể cả những cá nhân, tổ chức có hành vi loan truyền gián tiếp những thông tin này cũng được coi là hành vi phạm tội.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất và từng trường hợp cụ thể.

Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý hành chính

– Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, hành vi này vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, cụ thể là: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

– Cá nhân, tổ chức, công ty thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội.

Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý hình sự

Không chỉ bị xử lý hành chính, nếu hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội có đầy đủ các dấu hiệu có thể cấu thành tội vu khống theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội sẽ bị truy cứu trách  nhiệm hình sự  nếu có đầy đủ bốn dấu hiệu pháp lý sau:

– Về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội vu khống có ba dạng hành vi, đó là: Hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước.

– Về chủ thể: là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Về khách thể: xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức – khách thể được pháp luật bảo vệ.

– Về mặt chủ quan: lỗi của người có hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội là lỗi cố ý với mục đích phạm tội là nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bôi nhọ.

Theo quy định này, một hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội có đầy đủ 4 dấu hiệu nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu các hình phạt như sau:

– Hình phạt chính:

+ Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

+ Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: Bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu thuộc các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 02 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

+ Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu thuộc các trường hợp sau đấy: Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

– Hình phạt bổ sung: 4. Người có hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội mà cấu thành tội vu khống còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

⇒ Chúng tôi, Luật sư tư vấn pháp luật tại công ty Luật Minh Anh rất vinh dự được là đơn vị đại diện tư vấn và hỗ trợ, giải đáp ”  Hành vi bôi nhọ danh dự người khác qua mạng xã hội bị xử lý như thế nào?” các vấn đề liên quan đến thoả thuận, hợp đồng, giải quyết tranh chấp cho quý khách hàng. Chúng tôi cam kết sẽ mang lại giá trị tốt nhất với mức chi phí ưu đãi nhất