Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Khách thể của tội phạm:
Làm chết người trong khi thi hành công vụ là hành vi của người trong quá trình thực hiện công vụ của mình đã làm cho người khác bị chết do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Tội phạm trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất tác động vào thân thể người khác làm cho họ chết hoặc bị thương. Các hình thức dùng vũ lực như dùng vũ khí hoặc tay chân đấm, đá, v.v..Thông thường, hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ phạm tội này là hành vi dùng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Theo khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 quy định về nguyên tắc khi nổ súng được đã phân biệt hai trường hợp:
+ Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền.
+ Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo 4 nguyên tắc, cụ thể như sau: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay. Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Các trường hợp được nổ súng: Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011đã quy định 7 trường hợp nổ súng, cụ thể như sau:
– Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
– Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
– Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
– Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
– Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
– Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
+ Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
+ Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
+ Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật Nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
– Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Như vậy, những trường hợp nổ súng ngoài những trường hợp được quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 đều là những trường hợp nổ súng không thuộc trường hợp pháp luật cho phép.
Nạn nhân của hành vi phạm tội này thường là những người mà người thi hành công vụ sử dụng vũ khí nhằm bắt giữ hoặc ngăn chặn hành vi phạm pháp (như: người đang đánh bạc chạy trốn khi thấy công an đến bắt) hoặc là công dân bình thường (như người đi ngang đường bị người thi hành công vụ bắn lạc đạn)[1].
Hậu quả của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ tội phạm là hậu quả chết người. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người đang thi hành công vụ, tức là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Ngoài ra,những công dânđược huy động làm nhiệm vụ như tuần tra, canh gác, bảo vệ theo kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền hoặc công dân, vì lợi ích chung của xã hội mà đã sử dụng một loại công cụ nào đó để giúp sức người thi hành công vụ ngăn chặn hoặc đuổi bắt người phạm tội, do đó xâm phạm tính mạng của người khác thì cũng được coi là người thi hành công vụ. Khi xác định tư cách chủ thể của tội phạm này, phải gắn liền hành vi xâm phạm tính mạng của người phạm tội với nhiệm vụ mà họ được giao. Toàn bộ hành vi phạm tội và những yếu tố khác của tội phạm này đều liên quan đến tư cách chủ thể.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý (gián tiếp). Động cơ phạm tội là hành động vì lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hình phạt:
Điều 127 quy định 02 khung hình phạt:
– Khung 1: quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 010 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng. Như vậy, mức hình phạt quy định tại khung 1 của điều luật so với khung 1 của Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1999 là nặng hơn. Theo quy định của khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự 1999 mức hình phạt là từ 02 năm đến 07 năm.
– Khung 2: quy định hình phạt tù từ 08 năm đến 15 năm, áp dụng đối với trường hợp làm chết từ 02 người trở lên hoặc đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai. Đây cũng là điểm sửa đổi, bổ sung của Điều 127 Bộ luật hình sự năm 2015 so với khoản 2 Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1999..
– Hình phạt bổ sung: ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chú ý: Trong trường hợp đang thi hành công vụ, lại coi thường tính mạng của người khác, sử dụng súng vô nguyên tắc bắn chết người thì dù là người đang thi hành công vụ vẫn phạm tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự. Người đang thực hiện công vụ có hành vi làm chết người nhưng nạn nhân lại không liên quan trực tiếp đến công vụ của họ thì không phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
[1] – Xem Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC… đã dẫn.