info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Khởi kiện vụ án dân sự (P1)

Những điều cần biết trước khi khởi kiện vụ án dân sự
“Vô phúc đáo tụng đình” đó là câu nói quen thuộc của người xưa và cho đến giờ thì theo tôi vẫn còn nguyên giá trị. Những ai đã một lần “đáo tụng đình” thì càng hiểu và thấm nhuần giá trị câu nói đó. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế và những chuyển biến của xã hội, những quan hệ xã hội ngày càng phức tạp và luôn tiềm ẩn những rủi ro, tranh chấp… Mỗi ai trong chúng ta cũng đều có thể có ít nhất một lần phải “đáo tụng đình” để giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của mình. Nhằm trang bị cho đọc giả của blog Pháp luật cho mọi người có được những thông tin hữu ích về pháp luật, trong phạm vi bài viết này tác giả xin chia sẻ với quý vị đọc giả những điều cơ bản nhất khi chuẩn bị khởi kiện một vụ án Dân sự theo nghĩa rộng (Dân sự thuần túy; Hôn nhân gia đình; Kinh doanh thương mại; Lao động).
Để khởi kiện một vụ án dân sự nói chung thì người khởi kiện cần phải xác định được những vấn đề sau:
1. Điều kiện khởi kiện
1.1. Quyền khởi kiện
Nói đến điều kiện khởi kiện thì điều đầu tiên cần nhắc đến là quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện được chia ra cho hai nhóm, nhóm thứ nhất là khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, được quy định tại Điều 163 Bộ luật tố tụng Dân sự, theo đó khi cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện để bảo vệ.
Nhóm thứ hai, là khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, được quy định tại Điều 164[1] Bộ luật tố tụng Dân sự, trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập tới nhóm thứ nhất, không đề cập đến nhóm thứ hai.
Tóm lại, đối với Quyền khởi kiện thì điều cơ bản nhất người khởi kiện cần biết đó là khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác để khởi kiện.
Ví dụ: Ngày 05/10/2012 ông A cho ông B vay 100.000.000 đồng, thời hạn vay là 01 năm, hợp đồng không đề cập đến mục đích vay tiền. Như vậy trong trường hợp này ông A chỉ có quyền khởi kiện ông B khi hết thời hạn vay theo thỏa thuận (sau ngày 06/10/2013), còn trong thời hạn vay thì ông A không có quyền khởi kiện hay nói cách khác là chưa đủ điều kiện để khởi kiện ông B.
Một điều xin quý đọc giả lưu ý là: Khái niệm quyền khởi kiện không đồng nghĩa với thắng kiện, việc thắng kiện hay không không thì cần phải thông qua quá trình giải quyết và khi có Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa án mới xác định được, còn quyền khởi kiện chỉ là điều kiện ban đầu để khởi kiện.
1.2 Năng lực hành vi tố tụng dân sự
Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
Về năng lực hành vi tham gia tố tụng thì có thể chia thành hai nhóm:
Đối với cơ quan, tổ chức: Người đại diện theo pháp luật là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng, người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho người khác có đủ điều kiện để tham gia tố tụng.
Đối với cá nhân: Tùy vào độ tuổi và thể chất thì pháp luật chia ra các trường hợp sau:
Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực lực hành vi tố tụng dân sự là, trừ những người bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc trường hợp khác do pháp luật quy định.
Người dưới 15 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự, thì việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ tại Tòa án do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Người tử đủ 15 tuổi – chưa đủ 18 tuổi, nếu đã tham gia hợp đồng lao động hoặc thực hiện các giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì có thể tự mình tham gia tố tụng và có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Những quan hệ khác thì việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ của họ do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Trường hợp cá biệt: Đối với nữ giới từ 18 tuổi cho đến dưới 18 tuổi (từ 17 tuổi + 1 ngày – 17 tuổi 364 ngày) nếu đã kết hôn mà có yêu cầu ly hôn trong thời gian này thì có quyền tự mình tham gia tố tụng và có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng trong quan hệ hôn nhân.
1.3 Thủ tục tiền tố tụng
“Tiền tố tụng” không phải là một thuật ngữ pháp lý mà chỉ là một thuật ngữ trong khoa học pháp lý, có thể hiểu nôm na là trước công việc phải thực hiện trước khi khởi kiện.
Đa số các tranh chấp trong vụ án dân sự thì không phải thực hiện thủ tục tiền tố tụng chỉ trừ một số ít quan hệ tranh chấp là phải thực hiện thủ tục tiền tố tụng, trong bài viết này tác giả xin chia sẻ hai trường hợp cần thiết phải thực hiện thủ tục tố tụng:
Trường hợp 1: Tranh chấp chấp quyền sử đất.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai 2003 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 135[2] Luật Đất đai 2003 thì tranh chấp đất đai phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã, vì vậy khi có tranh chấp đất đai, người khởi kiện cần phải thực hiện thủ tục hòa giải mới đủ điều kiện để khởi kiện.
Trường hợp 2: Tranh chấp lao động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tranh chấp về lao động phải thông qua thủ tục hòa giải cơ sở trước khi khởi kiện, trừ một số trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản Điều 202[3] thì không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải.
Thông thường những tranh chấp lao động thường có nhiều quan hệ tranh chấp cùng một lúc, trong đó thường có tranh chấp về tiền lương, đây là quan hệ tranh chấp cần phải thực hiện việc hòa giải cơ sở, vì vậy nếu người khởi kiện, khởi kiện cùng một lúc nhiều quan hệ trong vụ án lao động nhưng trong đó có quan hệ cần phải được hòa giải tại cơ sở thì cần phải thực hiện việc hòa giải trước khi khởi kiện.
Theo: thongtinphapluatdansu.blospot.com