Nhãn hiệu phải có đặc điểm gì để được chấp nhận đăng ký?
✅ Đăng ký nhãn hiệu là một trong những việc làm quan trọng và nên làm để doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, không phải nhãn hiệu nào cũng có thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vậy nhãn hiệu phải có đặc điểm gì để được chấp nhận đăng ký? Luật Minh Anh xin gửi tới quý độc giả bài viết sau, giúp các bạn hiểu chi tiết hơn về điều kiện để nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ.
Khái niệm nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 đưa ra khái niệm về nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là văn bằng bảo hộ trong đó ghi nhận thông tin về chủ sở hữu nhãn hiệu, đối tượng, pham vi và thời gian bảo hộ nhãn hiệu.
Nhãn hiệu phải có đặc điểm gì để được chấp nhận đăng ký?
✅ Để được chấp nhận đăng ký, nhãn hiệu phải đáp ứng được các điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:
- Nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ hoạ;
- Nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
+ Đồng thời, nhãn hiệu đăng ký phải không thuộc các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Cụ thể gồm các dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức dễ gây nhầm lẫn với quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia khác;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức dễ gây nhầm lẫn với biểu tượng cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế, nếu không có sự đồng ý từ các cơ quan, tổ chức đó;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức dễ gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hoặc hình ảnh của các lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân nổi tiếng trong và ngoài nước;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức dễ gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của các tổ chức quốc tế, trừ khi các tổ chức này đã đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
- Dấu hiệu gây hiểu lầm, nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dung về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các địa điểm khác của hàng hoá, dịch vụ.
- Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hoá hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hoá bắt buộc phải có;
- Dấu hiệu chứa bản sao của tác phẩm có bản quyền, trừ trường hợp có sự đông ý của chủ sở hữu tác phẩm.
Một số lưu ý khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
✅ Để nhãn hiệu có thể được đăng ký bảo hộ, ngoài các điều kiện nêu trên, chủ đơn cần lưu ý một số điều sau:
Thực hiện tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ.
+ Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký là một bước để kiểm tra xem nhãn hiệu mình muốn đăng ký có bị trùng với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó hay không. Việc tra cứu nhãn hiệu góp phần giúp cho tổ chức, cá nhân không bị mất tiền vào một số chi phí không cần thiết. Đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp kịp thời thay đổi mẫu nhãn hiệu cho phù hợp với tiêu chuẩn bảo hộ của pháp luật.
+ Doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó hoặc đã được nộp đơn đăng ký qua các nguồn như Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng; Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ); tra cứutrên các cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu hàng hoá công bố trên Internet hoặc sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của một đại diện sở hữu công nghiệp.
Đảm bảo nhãn hiệu không vi phạm đạo đức xã hội và trật tự công cộng
+ Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ không được chứa đựng nội dung mang tính phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Đồng thời, nhãn hiệu đó không được gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự công cộng, có hành vi phân biệt chủng tộc hay liên quan đến các vấn đề chính trị, tôn giáo hoặc xung đột xã hội.
Đảm bảo nhãn hiệu có tính sáng tạo, không làm giả, sao chép hoặc mô phỏng các nhãn hiệu nổi tiếng
+ Nhãn hiệu đăng ký phải đảm bảo tính sáng tạo, không sao chép, mô phỏng các nhãn hiệu nổi tiếng. Việc làm giả hoặc sao chép nhãn hiệu nổi tiếng sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, và dẫn đến các tranh chấp, bị kiện vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
✅ Luật Minh Anh chia sẻ và giải đáp câu hỏi ” Nhãn hiệu phải có đặc điểm gì để được chấp nhận đăng ký? Nếu Quý khách đang tìm hiểu, cần hỗ trợ hay có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho mẫu sản phẩm, hàng hoá. Hãy liên hệ trực tiếp với Luật sư Luật Minh Anh theo Hotline: 024 6328.3468 hoặc địa chỉ Email: info@luatminhanh.vn để được tư vấn miễn phí.