Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu không?
✅ Một trong những cách giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện được công ty hay sản phẩm, dịch vụ của công ty là dựa vào nhãn hiệu. Một trong những vấn đề liên quan đến nhãn hiệu nhận được nhiều sự quan tâm là đăng ký nhãn hiệu. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc phai đăng ký nhãn hiệu không? Để giải đáp thắc mắc này, mời quý độc giả tham khảo bài viết dưới đây.
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là thủ tục mà tổ chức, cá nhân cần thực hiện để hợp pháp hoá quyền sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu và có thể công khai về quyền sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu không?
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, các cá nhân, tổ chức không bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu. Việc đăng ký nhãn hiệu không phải nghĩa vụ bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu mà tuỳ thuộc vào việc chủ sở hữu có muốn đăng ký hay không.
Mặc dù đăng ký nhãn hiệu không phải thủ tục bắt buộc, nhưng việc này lại là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ không được công nhận và không được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó trong trường hợp nhãn hiệu không đăng ký bảo hộ (ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng). Việc sử dụng nhãn hiệu mà không đăng ký bảo hộ có khả năng dẫn đến bị mất quyền sử dụng nhãn hiệu đó nếu có một người nào khác đăng ký nhãn hiệu
Tại sao cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?
+ Trên thực tế, không khó để bắt gặp các trường hợp các nhãn hiệu bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, thiết kế gây nhẫm lẫn,,,gây ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu.
+ Điển hình có thể nhắc đến tranh chấp Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (VinaAcecook) và Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia Foods) về bao bì giữa hai sản phẩm mì Hảo Hảo và Hảo Hạng. Nhãn hiệu “Hảo hảo, tôm chua cay, và hình ảnh” đã được bảo hộ hợp pháp theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360 cấp ngày 29/04/2005.
+ Theo đó, đầu năm 2015, VinaAcecook đã gửi công văn khuyến cáo đến Asia Foods khi phát hiện ra sản phẩm của Asia Foods có bao bì tương tự sản phẩm của mình. Tháng 3/2015, Asia Foods khẳng định mì Hảo Hạng không hề sao chép bao bì của Hảo Hảo. Đồng thời Asia Foods khẳng định rằng công ty này đã cho tạm ngưng sản xuất từ ngày 04/02/2015. Tuy nhiên, tháng 4/2015, VinaAcecook phát hiện trên thị trường vẫn lưu hành sản phẩm mì Hảo Hạng. Vì vậy, VinaAcecook quyết định gửi đơn khởi kiện Asia Foods tại Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu “Hảo Hảo, tôm chua cay, và hình ảnh”.
+ Tại phiên xét xử, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên bố Asia Foods có hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với VinaAcecook, cụ thể là về mẫu bao bì của mì Hảo Hạng. Toà tuyên bố Asia Foods phải chấm dứt hành vi vi phạm, đăng báo xin lỗi công khai về hành vi sai phạm của mình.
✅ Qua đây có thể thấy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu góp phần giúp doanh nghiệp có được quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình, ngăn chặn các hành vi xâm phạm nhãn hiệu và là cơ sở để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.