info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Tư vấn ly hôn giành quyền nuôi con

Người ta thường nói, khi có con thì tình yêu của hai người sẽ không còn như trước vì họ còn phải dành tình yêu cho con. Quả thật vậy, tình cảm vợ chồng có thể sẽ rạn nứt vì những mâu thuẫn, xung đột, còn tình yêu với đứa con máu mủ thì ngày càng lớn dần lên. Chính vì vậy, khi ly hôn thì tranh chấp trong việc giành quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đôi khi còn khó thỏa thuận hơn là tranh chấp về tái sản. Làm thế nào để giành được quyền nuôi con để có điều kiện chăm sóc cho con một cách tốt nhất là điều mà bất kỳ bố mẹ nào khi ly hôn cũng mong muốn. Bài viết ngay sau đây hi vọng sẽ hưu ích với những người đang muốn Tư vấn ly hôn giành quyền nuôi con.
Khái niệm ly hôn
Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự  khác. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì toà án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Giành quyền nuôi con khi ly hôn
Về quyền nuôi con: Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Có thể rút ra được một số điều từ những quy định trên như sau:
– Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:
+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Nếu bạn thực sự yêu thương con mình và có đủ khả năng chứng minh trước tòa rằng mình có thể đem lại cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn thì việc bạn giành được quyền nuôi con là hoàn toàn có thể.
Bên cạnh đó, Điều 82 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Nếu bạn không được trực tiếp nuôi con thì vẫn có quyền được cấp dưỡng và thăm nom con mình. Không ai có thể cản trở quyền này của bạn. Do vậy chúng tôi khuyên bạn nên cân nhắc. Nếu bạn thực sự có khả năng để nuôi con một cách đầy đủ nhất, điều đó là tốt. Nhưng nếu bạn thấy vợ/chồng bạn là người có thể chăm lo tốt hơn cho con mình thì bạn có thể cân nhắc vấn đề này vì tương lai cho con bạn.
Dịch vụ Tư vấn ly hôn giành quyền nuôi con của Công ty Luật Minh Anh
Luật Minh Anh là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn ly hôn nhanh, tư vấn ly hôn giành quyền nuôi con, tư vấn chia tài sản sau khi ly hôn, khi tư vấn giành quyền nuôi con, chúng tôi đưa ra những tư vấn sau:
Tư vấn về điều kiện vật chất, khả năng tài chính;
Tư vấn về khả năng giáo dục, chăm sóc, dạy dỗ con;
Tư vấn về khoản tiền yêu cầu cấp dưỡng với trường hợp không trực tiếp nuôi dưỡng con.
Chăm sóc, nuôi dưỡng con cái là quyền và cũng là nghĩa vụ của cha mẹ. Đứa trẻ nào cũng xứng đáng được nuôi nấng, dạy dỗ trong vòng tay của cả mẹ lẫn cha. Chỉ khi tới bước đường cũng mới bắt buộc lựa chọn ly hôn. Vậy hãy suy nghĩ thật kỹ về việc giành quyền nuôi con để đem lại điều tốt đẹp nhất cho con bạn.