info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Thủ tục nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Việc nhận nuôi con nuôi là nhu cầu hợp pháp của nhiều gia đình, đặc biệt là hiện nay, khi mà tỉ lệ vô sinh và gia đình hiếm muộn ngày càng cao. Pháp luật đã có những quy định về việc nhận nuôi con nuôi, hơn cả là những quy định đối với người nước ngoài nhận nuôi trẻ Việt Nam.
Thủ tục nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

  1. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi gồm các giấy tờ sau:

–  Đơn xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi theo mẫu quy định;
–  Bản sao có công chứng hoặc chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú;
–  Giấy phép còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp, cho phép người đó nhận con nuôi. Nếu nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú không cấp loại giấy phép này thì thay thế bằng giấy tờ có giá trị tương ứng hoặc giấy xác nhận có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định nước đó;
–  Bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;
–  Giấy xác nhận do tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú hoặc tổ chức y tế của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó có đủ sức khỏe, không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, không mắc bệnh truyền nhiễm;
–  Giấy tờ xác nhận về tình hình thu nhập của người xin nhận con nuôi, chứng minh người đó bảo đảm việc nuôi con nuôi;
–  Phiếu lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
–  Bản sao giấy chứng nhận kết hôn đối với người xin nhận con nuôi, trong trường hợp người xin nhận con nuôi là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân;
–  Người xin nhận con nuôi là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài mà nước đó chưa ký hiệp định con nuôi với Việt Nam thì phải có giấy tờ phù hợp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước nơi người đó thường trú cấp để chứng minh nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp hợp sau đây:
+  Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 thang trở lên;
+  Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam;
+  Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi.

  1. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi gồm các giấy tờ sau đây:

–  Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy khai sinh của trẻ em;
–  Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi có chữ ký của những người có quyền sau đây:
+  Người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam tự nguyện đồng ý cho trẻ em đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi. Trong trường hợp trẻ em còn cha đẻ, mẹ đẻ thì phải có giấy tự nguyện đồng ý của cha đẻ, mẹ đẻ cho con làm con nuôi, trừ trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có cha, mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc khi đưa trẻ em này vào cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp, cha, mẹ đẻ của trẻ em này đã có giấy tự nguyện đồng ý cho con làm con nuôi;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ tự nguyện đồng ý cho con đang sống tại gia đình làm con nuôi. Nếu cha hoặc mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần sự đồng ý của người kia. Trong trường hợp cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tự nguyện đồng ý của người giám hộ của trẻ em đó;
+  Đối với trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có giấy đồng ý làm con nuôi của trẻ em đó (có thể ghi chung vào giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi).
–  Giấy xác nhận của Tổ chức y tế từ cấp huyện trở lên, xác nhận về tình trạng sức khỏe của trẻ em;
–   Hai ảnh màu của trẻ em, chụp toàn thân cỡ 10 x 15 cm hoặc 9 x 12 cm.

  1. Nơi nộp hồ sơ:

Sở Tư pháp cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú.

  1. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi hoặc Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ủy quyền, nộp lệ phí và bản cam kết thông báo tình hình phát triển của con nuôi, Sở Tư pháp báo cáo kết quả thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết việc người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ của trẻ em và 01 bộ hồ sơ của người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.”