info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Kết hôn với người nước ngoài

  1. Căn cứ pháp luật

Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
Nghị định 24/2013/NĐ-CP;

  1. Thẩm quyền giải quyết:

Thuộc về UBND cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của người Việt Nam

  1. Hồ sơ đăng ký:

–       Tờ khai đăng ký kết hôn
–       Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, hoặc giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng.
–       Lý lịch tư pháp của người Việt Nam và các giấy tờ pháp lý tương lý lịch tư pháp của người nước ngoài.
–       Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình
–       Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài)
–       Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam)
Ngoài các giấy tờ quy định trên, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.

  1. Nơi nộp hồ sơ:

Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện.

  1. Thời hạn giải quyết:

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện không quá 20 ngày, kể từ ngày cơ quan đại diện nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp cơ quan đại diện yêu cầu cơ quan trong nước xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 35 ngày.

  1. Trình tự thủ tục giải quyết:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:
–       Phỏng vấn trực tiếp 2 bên nam nữ để làm rõ sự tự nguyện, mức độ hiểu biết lẫn nhau;
–       Thực hiện niêm yết trong 7 ngày liên tục tại trụ sở Tư pháp và niêm yết tại UBND cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú của 2 bên đương sự;
–       Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Nếu có nghi vấn hoặc khiếu nại, tố cáo thì Sở Tư pháp sẽ nhờ sự xác minh làm rõ của cơ quan công an trong vòng 20 ngày;
–       Báo cáo kết quả phỏng vấn, thẩm định hồ sơ trình UBND cấp tỉnh;
–       Sau 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tường trình hợp lệ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
–       Trong vòng 5 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện tổ chức lễ đăng ký kết hôn;
–       Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có hiệu lực kể từ ngày tổ chức lễ đăng ký kết hôn;
–       Nếu một trong hai bên vì lý do chính đáng mà muốn gia hạn thì phải gia hạn trong vòng 90 ngày./.