info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Dấu hiệu pháp lý của tội làm chết người khi thi hành công vụ

Dấu hiệu pháp lý
Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là hành vi của người trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
* Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm quyền sống của con người.
* Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi của người trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Thông thường, hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ phạm tội này là hành vi dùng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Theo khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Những trường hợp nổ súng ngoài những trường hợp được quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 đều là những trường hợp nổ súng ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Nạn nhân của hành vi phạm tội này thường là những người mà người thi hành công vụ sử dụng vũ khí nhằm bắt giữ hoặc ngăn chặn hành vi phạm pháp (như: người đang đánh bạc chạy trốn khi thấy công an đến bắt) hoặc là công dân bình thường (như người đi ngang đường bị người thi hành công vụ bắn lạc đạn).
Hậu quả của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ tội phạm là hậu quả chết người. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố (gián tiếp) hoặc vô ý.
* Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người thi hành công vụ, từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS.
Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội…
Thực tiễn áp dụng pháp luật thừa nhận, nếu công dân vì lợi ích chung của xã hội mà đã sử dụng một thứ công cụ gì đó (như: dao, gậy, đòn gánh…) để giúp sức người thi hành công vụ ngăn chặn hoặc đuổi bắt người phạm tội cũng được coi như người thi hành công vụ.
Hình phạt
* Khung hình phạt cơ bản tại khoản 1:
Người phạm tội bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
* Khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
– Làm chết 02 người trở lên;
– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
* Hình phạt bổ sung tại khoản 3:
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.