Dấu hiệu pháp lý của tội bức tử
Tội bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát.
Dấu hiệu pháp lý
* Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm quyền sống của con người.
* Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình.
Đối xử tàn ác với nạn nhân đối với người lệ thuộc là đối xử một cách độc ác, tàn bạo, gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho nạn nhân như: đánh đập, bỏ đói, bỏ rét…
Thường xuyên ức hiếp, ngược đãi người lệ thuộc là thường xuyên cậy quyền, cậy thế đối xử bất công với người lệ thuộc. Ví dụ: thường xuyên bỏ đói, bỏ rét, gây ra sự uất ức, bế tắc cho người bị lệ thuộc.
Hành vi làm nhục: là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người lệ thuộc. Ví dụ: mắng nhiếc, chửi rủa, mạt sát… gây tổn thương nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.
Cần lưu ý, hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình… đã là một bộ phận cấu thành tội phạm bức tử nên người thực hiện hành vi không bị xử lý thêm về tội phạm khác nữa (Điều 140. Tội hành hạ người khác; Điều 155. Tội làm nhục người khác)
Hậu quả của tội bức tử là hành vi tự sát của nạn nhân. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người lệ thuộc vào người phạm tội có hành vi tự sát, không phụ thuộc vào việc người tự sát có chết hay không.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
* Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người mà nạn nhân lệ thuộc đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hình phạt
* Khung hình phạt cơ bản tại khoản 1:
Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
* Khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
– Đối với 02 người trở lên;
– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.