Quy định về tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Khách thể của tội phạm:
Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ tội phạm là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà đã chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức hoặc vượt quá mức cần thiết làm cho người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nêu trên bị chết hoặc hành vi của người khi bắt giữ người phạm tội áp dụng các biện pháp vượt quá mức cần thiết làm cho người bị bắt giữ chết.
Tội phạm này xâm phạm quyền sống của người khác. Đồng thời nó cũng xâm phạm quyền phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 và quyền gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thể hiện ở hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Để coi hành vi nào đó là hành vi phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải xác định được người phạm tội có quyền phòng vệ chính đáng và trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng đã thực hiện hành vi quá mức cần thiết, giết chết người có hành vi xâm hại. Cụ thể như sau:
+ Nạn nhân đã có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của người khác.
+ Vào thời điểm xảy ra sự việc, sự xâm hại các lợi ích hợp pháp của nạn nhân đang gây thiệt hại hoặc đang đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần bảo vệ.
+ Hành vi của người phạm tội xuất phát từ việc thực hiện quyền phòng vệ chính đáng gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại.
+ Trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã chống trả một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết cho nạn nhân.
Hậu quả của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phạm là gây chết người. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.
– Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thể hiện ở là hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội đã gây thiệt hại đến tính mạng của người đó do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết.
Để coi hành vi nào đó là hành vi phạm tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì phải xác định được người phạm tội có quyền gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 BLHS, nghĩa là để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội, người bắt giữ không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết để gây thiệt hại cho người bị bắt giữ nhưng trong quá trình thực hiện hành vi bắt giữ, người đó đã sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, gây thiệt hại đến tính mạng của người định bắt giữ. Đây là điểm mới bổ sung trong Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm phù hợp với quy định bổ sung về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự “Gây thiệt hại do bắt giữ người phạm tội” quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác hoặc động cơ bắt giữ người phạm tội. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Hình phạt:
Điều 126 quy định 02 khung hình phạt:
– Khung 1: quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.
– Khung 2: quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, áp dụng đối với trường hợp giết từ 02 người trở lên.
Chú ý: Hành vi chống trả lại người đang có hành vi xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác đã làm cho người này chết nhưng xét tổng thể các yếu tố thì hành vi chống trả này là không quá mức thì dự nạn nhân có bị chết, người có hành vi chống trả đó cũng không phạm tội. Nếu hành vi xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác vừa mới chấm dứt và không còn nguy cơ tiếp diễn nữa nhưng người phạm tội vẫn có hành vi chống trả làm cho nạn nhân bị chết hoặc trường hợp hành vi xâm hại của nạn nhân đã kết thúc nhưng người phạm tội nhầm tưởng hành vi đó vẫn còn tiếp diễn nên đã có hành vi tấn công làm nạn nhân chết thì phạm tội giết người (Điều 123).