info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Cấu thành của tội bức tử

  1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
  3. a) Đối với 02 người trở lên;
  4. b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.

Khách thể của tội phạm:
Bua go
Tội phạm trực tiếp xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác, đồng thời gián tiếp xâm phạm quyền sống của người đó.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp hoặc ngược đãi, làm nhục nạn nhân.
Đối xử tàn ác với nạn nhân là hành vi gây đau khổ về thể chất hay tinh thần cho nạn nhân như nạn nhân bị đánh đập, bị bỏ đói, bỏ rét, bắt làm việc nặng nhọc, quá sức, không cho học hành, vui chơi, v.v.. Những hành vi này bị dư luận xã hội lên án. Hành vi đánh đập người khác nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho nạn nhân thì không cấu thành tội bức tử. Nếu hành vi đó lại gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân từ 11% trở lên thì phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).
Thường xuyên ức hiếp nạn nhân là hành vi của người phạm tội dựa vào quyền chức, tiền tài để đè nén, áp bức người lệ thuộc mình, làm những điều bất công, phi lý đối với nạn nhân như trả lương không công bằng, đánh đập, bớt xén tiêu chuẩn chế độ, v.v.. Hành vi ức hiếp phải xảy ra thường xuyên thì mới bị coi là phạm tội.
Ngược đãi đối với nạn nhân là hành vi đối xử tàn nhẫn, trái với lương tâm, đạo đức, lẽ phải. Đạo đức và lẽ phải là những quy tắc xử sự trong xã hội, trong gia đình, những truyền thống tốt đẹp của dân téc như con cái phải kính trọng bố mẹ; vợ chồng phải có nghĩa vụ thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái; nhân viên phải tôn trọng và chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo, lãnh đạo phải dân chủ và tôn trọng ý kiến của nhân viên, v.v.. Ngược đãi đối với nạn nhân chính là đi ngược lại những quy tắc xử sự đó.
Làm nhục nạn nhân là hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc mình như chửi rủa, xỉ vả nạn nhân trước đám đông, tung tin đồn nhằm để người khác tưởng là nạn nhân thật sự xấu xa, là tội phạm, v.v.. Nạn nhân phải là người lệ thuộc vào người phạm tội và chính nạn nhân tự tước bỏ quyền sống của mình chứ không phải ai khác. Hậu quả tự sát có chết người hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Tuy nhiên, nguyên nhân và động cơ thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tiêu cực, bế tắc – tự sát là do hành vi của người phạm tội gây ra. Vì vậy, cần làm rõ mối quan hệ nhân quả này. Nạn nhân có thể là người bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, quan hệ gia đình, họ hàng, quan hệ công tác, tín ngưỡng, v.v..
Chú ý: Trường hợp tuy nạn nhân muốn chết nhưng lại không tự mình tước bỏ quyền sống của mình mà nhờ người khác giúp, thì hành vi của người này phạm tội giúp người khác tự sát (Điều 131) hoặc tội giết người (Điều 123). Trường hợp một người ép buộc người khác phải tự sát mà nạn nhân không còn sự lựa chọn nào khác thì người đó không phạm tội bức tử mà phạm tội giết người (Điều 123).
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Chủ thể của tội phạm này phải là người có mối quan hệ lệ thuộc giữa nạn nhân và người phạm tội là yếu tố bắt buộc để xác định hành vi của một người có phạm tội bức tử hay không. Người bị lệ thuộc phải là người dựa vào người khác trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần như: lệ thuộc về kinh tế; bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò hoặc quan hệ tôn giáo…
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm đượcthực hiện với lỗi cố ý (gián tiếp) hoặc cố ý về hành vi và vô ý đối với hậu quả.
Hình phạt:
Điều 130 quy định 02 khung hình phạt:
– Khung 1: quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng.
– Khung 2: quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, áp dụng đối với trường hợp bức tử từ 02 người trở lên hoặc đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai. Đây là điểm bổ sung của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999.