info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người được quy định tại Chương 15 của BLHS. Với tính chất là những quy định nghiêm khắc nhất nhằm bảo vệ các quyền tối quan trọng của con người. Nhóm tội này có các dấu hiệu pháp lý sau. Tư vấn luật hình sự xin được cung cấp cho quý bạn đọc.
giet nguoi

  1. Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người

Quyền con người luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi chính sách xã hội và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Đấu tranh bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Nàh nước và mọi cá nhân trong xã hội, tại Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thực đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

  1. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định…”

Để đảm bảo và thực hiện các quyền con người, quyền công dân cơ bản được Hiến pháp năm 2013 thừa nhận, Bộ luật hình sự năm 2015 đã dành một chương riêng – Chương XIV (từ Điều 123 đến Điều 156) quy định về các tội phạm xâm phạm tới quyền sống, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và quy định trách nhiệm hình sự đối với những người thực hiện các hành vi phạm tội này. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan nhà nước và toàn xã hội bảo vệ tốt các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Theo đó, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm tới quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự được Hiến pháp và pháp luật hình sự ghi nhận và bảo vệ.

  1. Các dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người

2.1. Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được thể hiện ngay trong tên gọi của Chương. Đó là, các tội phạm này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đối tượng tác động của các tội phạm này là con người cụ thể. Theo đó, con người phải là một cơ thể còn sống và có thời điểm tính từ khi sinh ra cho đến khi chết. Điều này để nhằm phân biệt các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người với một số tội phạm cũng có những hành vi phạm tội tương tự nhưng tác động tới đối tượng không phải là con người (người đã chết…). Điều này cho thấy, không thể coi một con người đang còn sống khi chưa lọt lòng mẹ (còn ở trong bào thai) hoặc khi người đó đã chết.
Tính mạng ở đây được hiểu là quyền sống của con người. Quyền sống là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Các tội xâm phạm tới tính mạng con người được hiểu là sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động là con người đang còn sống.
Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hoà trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khỏe con người là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây ra những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng tạo của nạn nhân.
Nhân phẩm được hiểu là phẩm chất, giá trị của một con người cụ thể và được pháp luật bảo vệ. Nhân phẩm là tổng hợp những phẩm chất mang tính đặc trưng của mỗi cá nhân, những yếu tố đặc trưng này tạo nên giá trị một con người. Danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp và là cái nhằm mang lại danh dự, nhằm tỏ rõ sự kính trọng của xã hội, của tập thể. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, bị coi thường, bị khinh rẻ trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tùy thuộc vào vị thế, vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội.
2.2. Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thể hiện ở những hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành động hoặc không hành động) xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Trong Chương XIV của Bộ luật hình sự, đa số các hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bằng hành động phạm tội như: sử dụng các công cụ, phương tiện khác nhau để gây nên sự tác động tới con người cụ thể, gây ra những thiệt hại hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho con người đó. Đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người thường được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, hành vi phát tán…. xâm phạm tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.. Cá biệt cũng có những tội phạm, hành vi nguy hiểm cho xã hội được thể hiện dưới dạng không hành động phạm tội như: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng – Điều 132 hoặc hành vi không cho con do mình đẻ ra bú sữa gây ra cái chết cho đứa trẻ là một dạng hành vi không hành động phạm tội trong Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ – Điều 124.
Mặt khách quan của tội phạm còn thể hiện ở hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này là những thiệt hại về thể chất như chết người; thiệt hại về sức khỏe; các ly trẻ em khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người thân; truyền bệnh nguy hiểm cho người khác… hoặc gây tổn hại về tinh thân như xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người. Phần lớn các tội phạm thuộc Chương XIV Bộ luật hình sự đều có cấu thành vật chất, tức là hậu quả là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này cần phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra.
2.3. Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện. Tuy nhiên do phần Chung của Bộ luật hình sự quy định pháp nhân thương mại chỉ có thể là chủ thể của một số tội phạm nhất định, trong đó không có các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự nên các tội phạm này chủ thể chỉ có thể là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên, đối với một số tội phạm, thì ngoài dấu hiệu chung, chủ thể của tội phạm còn cần có các dấu hiệu đặc biệt như: người đang thi hành công vụ trong Điều 137; người có chức vụ, quyền hạn hoặc có quan hệ nhất định đối với người bị lệ thuộc (Điều 130, Điều 140).
2.4. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người
Phần lớn các tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp (như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, v.v..). Tuy vậy, cũng có tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý (như tội vô ý làm chết người (Điều 128); vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 138), v.v.. Ngoài ra, một số tội phạm ở Chương này còn được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp, như tội bức tử (Điều 130), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137), v.v..
Đối với một số tội, mục đích và động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm như tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136). Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn quy định động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tăng nặng ở một số cấu thành tăng nặng như động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 123 tội giết người; điểm c khoản 2 các điều 151, 152, 153 – các tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm g, h khoản 1 Điều 123 – tội giết người); để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (điểm d khoản 2 Điều 133 tội đe dọa giết người); để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm n khoản 1 Điều 134 tội cố ý gây thương tích, v.v..); để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo, để đưa ra nước ngoài (điểm b khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 150 – tội mua bán người; điểm h, e khoản 2 các điều 151, 152, 153 – các tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Đối với các tội khác, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.