info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Điều kiện để Nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước.

” Điều kiện để Nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước ” Nhà đầu tư có mong muốn đầu tư kinh doanh theo hình thức góp vốn vào công ty cần đáp ứng một số điều kiện luật định. Vậy đó là những điều kiện gì? Nhà đầu tư cần phải thực hiện điều gì để đáp ứng những điều kiện đó?

Điều kiện để Nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước.

Góp vốn là gì?

Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra khái niệm như sau: Góp vốn là là việc góp tài sản để trở thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Theo đó, có thể hiểu hành vi góp vốn là hoạt động của người có tài sản trực tiếp chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của công ty. Tuy nhiên, về bản chất khoa học và thực tiễn kinh doanh thì cần phải hiểu hành vi góp vốn theo nghĩa đầy đủ hơn, nó không chỉ gắn với hệ quả làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp mà còn gắn với hệ quả người góp vốn sẽ trở thành chủ sở hữu của công ty hoặc nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh khác mà không thành lập doanh nghiệp hướng đến mục đích lợi nhuận.

Luật Đầu tư không quy định về hành vi góp vốn mà quy định về các hình thức, thủ tục, cách thức thực hiện các hình thức góp vốn.

Các điều kiện chung để nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước là gì?

Thứ nhất, về chủ thể: Chủ thể thực hiện góp vốn vào công ty trong nước là nhà đầu tư. Khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, về nguyên tắc: Nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước phải đáp ứng điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, về ý chí: Nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước với ý chí tự nguyện, tự do, bình đẳng, không bị cưỡng bức hay ép buộc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh này.

Thứ tư, về tài sản góp vốn: Tài sản góp vốn về nguyên tắc là tất cả các loại tài sản mà theo quan niệm của pháp luật hiện nay bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá, và quyền tài sản (Điều 105 Bộ luật dân sự 2015). Tuy nhiên, pháp luật cho phép quy định cụ thể về tài sản góp vốn đối với từng trường hợp cụ thể. Theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp mới nhất 2014 thì: Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam; và các quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Để góp vốn vào công ty trong nước, nhà đầu tư cần đáp ứng những điều kiện riêng biệt nào?

Tùy vào từng trường hợp cụ thể về việc nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước mà nhà đầu tư sẽ phải thực hiện các thủ tục với các bước khác nhau.

Thứ nhất, nếu việc góp vốn dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật đầu tư 2014 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty thì nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính. Nếu không thuộc trường hợp trên thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật khi góp vốn vào công ty trong nước.

Thứ hai, đối với việc nhà đầu tư góp vốn bằng loại tài sản nào vào loại hình công ty nào cũng quyết định đến thủ tục thực hiện việc đầu tư. Việc chuyển quyền sở hữu cho công ty cũng chịu áp lực của các quy chế khác nhau điều tiết việc chuyển dịch của từng loại tài sản. Về cơ bản, việc chuyển quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư vào công ty trong nước được chuyển giao pháp lý và chuyển giao vật chất.

  • Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Thứ ba, nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, nghề đó.

⇒ Chúng tôi, Luật sư tư vấn đầu tư đang làm việc tại công ty Luật Minh Anh rất vinh dự được là đơn vị đại diện tư vấn và hỗ trợ những ”Điều kiện để Nhà đầu tư góp vốn vào công ty trong nước.” cho quý khách hàng. Chúng tôi cam kết sẽ mang lại dịch vụ tốt nhất với mức chi phí ưu đãi nhất.