info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Tại sao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại quan trọng?

E. Anthony Wayne

Hiện nay, người ta ngày càng quan tâm tới các vấn đề sở hữu trí tuệ. Nhưng đáng tiếc là vấn đề này lại thường xuyên được đề cập theo chiều hướng nhấn mạnh đến những điều gây tranh cãi và những tranh luận trái ngược nhau. Thực ra có rất nhiều nội dung về bảo vệ sở hữu trí tuệ mà mọi người có thể nhất trí được với nhau.
Để hiểu đầy đủ hơn về vấn đề này, chúng ta cần dành một chút thời gian xem xét quá trình phát triển của quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và vai trò của IPR trong việc đạt được những những mục tiêu chung. Sau khi xem xét, chúng ta đi tới một kết luận rằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đóng một vai trò sống còn trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không thôi sẽ không thể có được những phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một quốc gia khó có thể đạt được những mục tiêu phát triển nếu không có sự bảo vệ này.
BẢN QUYỀN VÀ VĂN HÓA
 Chúng ta có thể ghi nhận khái niệm về “bản quyền” đã có từ thế kỷ 17 ở nước Anh với luật bảo vệ những tác phẩm sáng tạo của văn sỹ, nghệ sỹ, ca sỹ và sau này là các nhà làm phim và chuyên gia viết phần mềm. Khái niệm này thậm chí còn được trang trọng ghi nhận trong Hiến pháp Hoa Kỳ tại Điều I, Mục 8, Khoản 8 “Quốc hội có quyền … nhằm thúc đẩy tiến bộ khoa học và nghệ thuật bằng cách đảm bảo quyền tối cao của tác giả và nhà phát minh trong một khoảng thời gian nhất định đối với những tác phẩm và phát minh của họ”.
Ý tưởng cơ bản về bản quyền này rất đơn giản: Các nghệ sỹ và người sáng tác cần phải được hưởng thành quả lao động của mình trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó thì những thành quả này sẽ thuộc về toàn thể xã hội. Xã hội được lợi bởi quy định này sẽ khuyến khích sáng tạo và tạo ra những sản phẩm văn hóa phong phú đa dạng cho mọi người. Thực chất thì chúng ta có thể nói rằng bảo hộ bản quyền là điều cần thiết để đảm bảo sự sáng tạo văn hóa trong xã hội.
Nhưng nếu việc bảo hộ bản quyền là quan trọng trong việc đạt được những thành quả văn hóa thì đương nhiên việc ăn cắp những sản phẩm được bảo hộ bản quyền – tức là việc sao chép trái phép các sản phẩm văn hóa – là mối nguy hại cho lĩnh vực sáng tác trong xã hội chúng ta. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và thậm chí cả Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đều thừa nhận mối liên hệ này. Thực ra, nếu chúng ta truy cập trang web của UNESCO (http://www.unesco.org) thì chúng ta sẽ thấy cả một phần được dành cho vấn đề bản quyền và một danh sách các chương trình và ấn phẩm giải thích rõ hơn cho chúng ta về lợi ích của bản quyền đối với những chính sách văn hóa, khoa học, giáo dục và giúp ta có những phương thức chống lại nạn ăn cắp bản quyền.
Cho dù gần đây báo chí nói nhiều đến việc tải phim và nhạc trên mạng ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, nhưng thực ra những vi phạm nghiêm trọng phần lớn lại xảy ra ở các nước đang phát triển. Nhiều giọng ca mới, nhiều tác giả và kịch bản phim đã không thể ra đời đơn giản chỉ vì các nghệ sỹ này không có đủ động lực để chấp nhận mạo hiểm. Họ biết rằng cho dù họ có sản xuất ra sản phẩm gì chăng nữa thì sản phẩm của họ ngay lập tức sẽ bị sao chép – ăn cắp – và họ không được cung cấp đủ tiền bạc để phát triển tài năng của mình.
Đây không phải là một lập luận trừu tượng: Việc ăn cắp bản quyền diễn ra ở tất cả các châu lục. Một ví dụ điển hình là Hồng Kông, nơi ngành công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh đã bị ảnh hưởng ghê gớm bởi nạn ăn cắp bản quyền đến nỗi một vài năm trước đây người ta dự đoán rằng Hồng Kông sẽ không giữ được ngành công nghiệp điện ảnh nữa. Hiện nay, ngành công nghiệp này ở Hồng Kông đang khởi sắc trở lại và khán giả khắp nơi trên thế giới được thưởng thức những bộ phim mới rất hay do chính quyền Hồng Kông đã mạnh tay xử lý nạn ăn cắp bản quyền. Các xưởng phim trong ngành công nghiệp điện ảnh của Băng-la-đét “Dhaliwood” đã đình công vào tháng 3 năm 2004 nhằm phản đối tình trạng ăn cắp bản quyền và yêu cầu chính phủ phải hành động. Những tiến triển tương tự cũng đã diễn ra trong ngành âm nhạc trên thế giới. Các nhạc sỹ Ê-ti-ô-pia đã đình công bảy tháng liền vào năm 2003 nhằm gây áp lực đòi chính phủ phải có những biện pháp chống nạn ăn cắp bản quyền mạnh mẽ hơn. Các nghệ sỹ này đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ những tác phẩm của họ trước những kẻ xâm phạm bản quyền.
BẰNG SÁNG CHẾ VÀ SỰ ĐỔI MỚI
 Bằng sáng chế bảo hộ rất nhiều các loại phát minh như kiểu dáng công nghiệp, quy trình sản xuất, sản phẩm công nghệ cao, hợp chất phân tử. Bằng sáng chế cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Hoa Kỳ giống như bản quyền. Hiến pháp trao cho Quốc hội quyền thúc đẩy “sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật” bằng cách cho các nhà phát minh được hưởng độc quyền tối cao trong một thời gian nhất định đối với những “phát minh” của họ.
Khái niệm về bằng sáng chế dựa trên cơ sở thỏa hiệp có đi, có lại. Nhà phát minh hay sáng chế có độc quyền tối cao trong việc sử dụng phát minh của mình trong một thời gian nhất định. Để đổi lại, quy định của hầu hết các quốc gia đều yêu cầu nhà phát minh công bố phương pháp tìm ra phát minh để cho mọi người có thể hiểu và học hỏi được từ những phát minh này. Sau khi thời hạn bảo hộ phát minh hết hạn thì bất cứ ai cũng có thể sử dụng hay bán phát minh này. Nhà phát minh được khuyến khích về mặt kinh tế để chấp nhận rủi ro và sáng tạo; xã hội nhận được lợi ích của phát minh và kiến thức của nhà phát minh được ứng dụng trong những lĩnh vực khác.
Người Mỹ luôn tự hào là một dân tộc có nhiều nhà phát minh sáng chế sẵn sàng thử nghiệm những cái mới trong cả ngành công nghiệp lẫn cả trong chính trị. Vì vậy, bằng sáng chế là một phần quan trọng trong lịch sử phát triển của Hoa Kỳ. Mặc dù hầu hết học sinh Mỹ có thể không biết rằng bằng sáng chế được đề cập tới trong Hiến pháp nhưng nhiều học sinh biết qua các bài học rằng một trong những bằng sáng chế đầu tiên được cấp cho máy tỉa hột bông của Eli Whitney, chiếc máy có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sau này của Hoa Kỳ.
Nếu những gì đã diễn ra ở Mỹ là đúng quy luật thì nó cũng sẽ đúng ở các quốc gia khác, kể cả ở những quốc gia đang phát triển. Việc bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ không những chỉ thúc đẩy sức sáng tạo mà còn tạo ra niềm tin vững chắc vào nền kinh tế đó, đủ để thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường chuyển giao công nghệ. Điều này đã được chứng minh trong một số nghiên cứu về quan hệ giữa sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bằng sáng chế, với tốc độ phát triển. Chẳng hạn như một nghiên cứu đáng chú ý của Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu năm 2002 của Ngân hàng Thế giới đã phát hiện ra rằng “dù cho các quốc gia có mức thu nhập khác nhau nhưng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn liền với phát triển thương mại và đầu tư nước ngoài, nhờ đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn”. Một ấn bản khác năm 2002 của Ngân hàng Thế giới mang tựa đề “Cẩm nang Phát triển, Thương mại và WTO” đã chú dẫn một số nghiên cứu tuy chưa đưa ra được những kết quả rõ ràng nhưng cũng đã chỉ ra rằng việc bảo hộ mạnh mẽ bằng sáng chế có thể: 1) gia tăng thương mại toàn cầu; 2) thu hút thêm được đầu tư trực tiếp nước ngoài; 3) tăng cường việc mua bán công nghệ và do đó có thể tăng năng lực sản xuất trong nước; 4) góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng.
Ngày nay, Giooc-đa-ni có thể là một ví dụ điển hình cho những kết quả nghiên cứu trên. Tại quốc gia này, việc gia tăng bảo hộ bằng sáng chế đã đem lại những lợi ích kinh tế hữu hình (xem bài “Giooc-đa-ni hưởng lợi từ việc cải cách việc bảo hộ sở hữu trí tuệ”). Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPI) đã công bố một báo cáo đầy đủ vào tháng 8 năm 2004 nghiên cứu việc thành lập ngành công nghiệp công nghệ dược và thuốc chữa bệnh từ cây cỏ có khả năng cạnh tranh toàn cầu của Giooc-đa-ni. Báo cáo phát hiện ra rằng “Kinh tế Giooc-đa-ni đã được hưởng lợi lớn từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt hơn trong thời gian gần đây” theo như công bố của IIPI. Báo cáo nhấn mạnh hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là bảo vệ bằng sáng chế, “đã tăng cường tập trung vào những phát minh dựa trên nghiên cứu cho các công ty dược phẩm của Giooc-đa-ni”.
Điều này đã được thể hiện trong đóng góp tăng đột biến của ngành chăm sóc y tế, từ 2,8% năm 1997 lên tới 3,5% năm 2001, vào GDP của Giooc-đa-ni. Kể từ năm 1997 số lượng việc làm trong các lĩnh vực y tế tăng thêm 52%. Báo cáo cũng cho thấy “ngành dược phẩm là ngành lớn thứ hai ở Giooc-đa-ni và từ năm 1999 tới 2002 lượng thuốc xuất khẩu của các công ty Giooc-đa-ni tăng thêm 30%”.
NHÃN HIỆU VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG
 Nhãn hiệu là một từ, cụm từ, ký hiệu, hay kiểu dáng, hoặc sự kết hợp các từ, cụm từ, ký hiệu hay kiểu dáng nhằm xác định và phân biệt nguồn gốc của hàng hóa do một người sản xuất với hàng hóa do những người khác sản xuất. Vì vậy, nhãn hiệu xác định được người sản xuất ra một mặt hàng và người ta dùng nhãn hiệu để biết được chất lượng của hàng hóa. Nhãn hiệu cũng giúp khách hàng biết địa điểm cung cấp sự trợ giúp khi hàng hóa không đạt chất lượng. Một số loại hình nhãn hiệu đã tồn tại tới vài ngàn năm nay. Du khách tới thăm Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc vẫn có thể thấy dấu hiệu của người sản xuất để lại trên một số những viên gạch. Dấu hiệu này cho phép các hoàng đế thời đó yên tâm về mặt chất lượng và trong trường hợp cần thiết thì có thể quy kết được trách nhiệm.
Việc đảm bảo chất lượng và quy kết được trách nhiệm đã hoàn toàn bị xóa sổ khi những kẻ làm hàng giả dùng nhãn hiệu và đánh lừa khách hàng bằng những sản phẩm do bọn chúng sản xuất. Khi nghĩ tới hàng giả, nhiều người có thể nghĩ ngay tới đồng hồ Rolex giả, bật lửa Zippo giả hay túi xách Louis Vuitton giả. Việc làm giả những sản phẩm này đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho các công ty sản xuất hàng xịn và khiến cho chính phủ thất thu thuế. Nhưng việc làm giả nhãn hiệu còn gây ra một hậu quả nghiêm trọng khác, đó là làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Hoa Kỳ cũng không thể tránh khỏi nạn làm hàng giả. Trong buổi tường trình trước Ủy ban Pháp luật Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2004, Trợ lý Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ là Christopher Wray đã đưa ra những ví dụ về việc vi phạm nhãn hiệu. Ông nhấn mạnh rằng vào đầu năm 2004, một công dân bang Alabama đã nhận tội 28 lần làm hàng giả và bị buộc tội làm giả nhãn hiệu thuốc diệt côn trùng. Anh ta đã bán thuốc diệt côn trùng giả với nhãn hiệu giả của loại thuốc diệt muỗi và gián tiếp bán thuốc diệt virus West Nile cho các thành phố và doanh nghiệp tư nhân ở một số bang của Hoa Kỳ. Bị cáo đã không đưa ra được tên của thuốc diệt côn trùng, nhà sản xuất và các thành phần hoạt chất. Trong một vụ án khác năm 2002, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã kết tội một công dân bang California theo cáo trạng của liên bang vì liên quan đến âm mưu bán sữa bột giả cho trẻ sơ sinh. Sau khi bán sữa bột cho trẻ sơ sinh giả cho hàng ngàn trẻ em, những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất, bị cáo đã trốn sang Canada năm 1995. Hắn đã bị bắt ở Canada năm 2001 và năm 2002 được đưa về xét xử tại Hoa Kỳ.
Nạn làm hàng giả cũng gây ra nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới an toàn và sức khỏe cộng đồng ở những quốc gia đang phát triển. Một bi kịch khủng khiếp hơn đã diễn ra ở Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2004, hãng tin AP đưa tin từ Bắc Kinh cho biết 47 tên đã bị kết tội bán sữa bột giả cho trẻ sơ sinh và chính quyền cho biết hành động này là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục trẻ em. Theo bài báo, cuộc khám xét sau đó của cảnh sát đã phát hiện ra hàng ngàn bao đựng sữa bột giả với nhãn mác của 45 loại sữa khác nhau.
Thuốc tân dược giả cũng đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng gây chết người ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Không ai biết rõ về điều này hơn Dorothy Akunyili, Giám đốc Cơ quan Quốc gia Kiểm tra và Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Nigeria. Câu chuyện của bà được kể chi tiết trên trang nhất tờ Nhật báo Phố Wall vào tháng 5 năm 2004 cứ như thể một câu chuyện xảy ra trong tiểu thuyết. Nhưng đáng tiếc đó lại là chuyện có thật chứ không phải là chuyện giả tưởng. Việc điều tra và chống lại nạn làm thuốc tân dược giả đã khiến bà bị mưu sát và cơ quan bà bị phóng hỏa. Nhưng bà vẫn anh dũng tiếp tục công việc của mình với niềm thôi thúc cá nhân do em gái bà đã chết vì bị tiêm thuốc insulin giả. Cũng giống như nhiều người khác, bà hiểu rõ nguy cơ và hiểm họa của nạn hàng giả.
SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ XÃ HỘI
 Có một điểm chung xuyên suốt các vấn đề về bản quyền, bằng sáng chế và nhãn hiệu vừa được đề cập ở trên. Việc thúc đẩy sự phát triển văn hóa, tăng cường sức sáng tạo và phát triển kinh tế, bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cộng đồng là những mục tiêu chung. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong những xã hội tôn vinh và thúc đẩy những giá trị này. Trong khi bàn luận về sở hữu trí tuệ ngày nay, chúng ta cần nhớ tới vai trò của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Hoa Kỳ hết sức tin tưởng vào giá trị của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vì những lý do đã nêu trên và nhiều lý do khác và Hoa Kỳ sẵn sàng cộng tác với các quốc gia khác nhằm tăng cường việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.
_______________________________________
E. Anthony Wayne là Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề về kinh tế và kinh doanh.

 Nguồn:  vietnamese.vietnam.usembassy.gov