info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Kiến thức về Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

” Kiến thức về Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ” Doanh nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp có người nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được thành lập ở nước ngoài sở hữu vốn điều lệ trong doanh nghiệp.

Kiến thức về Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Đây là những doanh nghiệp được có sự chung tay góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn hình thức thành lập tổ chức kinh tế mới hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp ở Việt Nam để hình thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thủ tục đối với từng hình thức đầu tư như thế nào. Bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là phải có dự án đầu tư và đã hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư và đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Hiện nay pháp luật Việt Nam về đầu tư không quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức kinh tế, trừ một số ngành nghề nhất định, hoặc các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tự do quyết định tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của mình trong doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu có thể từ 1% đến 100% tùy thuộc vào khả năng tài chính của nhà đầu tư.

Khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ là chủ sở hữu/cổ đông/thành viên của doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm đối với hoạt động của doanh nghiệp. Do đó nhà đầu tư cần có một khoản tài chính nhất định để đảm bảo có đủ khả năng thực hiện dự án đầu tư và duy trì hoạt động của dự án. Đây là cơ sở để cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét để quyết định có cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu xét thấy năng lực tài chính cũng như các yếu tố khác về kỹ thuật chuyên môn của nhà đầu tư không đảm bảo để thực hiện dự án đúng như cam kết thì cơ quan đăng ký đầu tư sẽ từ chối.

Như vậy, muốn thành lập tổ chức kinh tế mới tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần có dự án đầu tư và đã hoàn tất thủ tục về đăng ký đầu tư, đáp ứng các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư cần tiến hành đăng ký đầu tư trước khi tiến hành thành lập doanh nghiệp mới.

Thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư được tiến hành như sau:

Nhà đầu tư sẽ tiến hành nộp hồ sơ đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư:

Hồ sơ gồm có:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án hạn chế chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Đối với các trường hợp thuộc diện cần xin quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại điều 30,31,32 Luật đầu tư 2014, hồ sơ cần có thêm các loại giấy tờ sau:

  • Phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có);
  • Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường;
  • Đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư;
  • Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có).

Cơ quan đăng ký đầu tư là sở kế hoạch và đầu tư hoặc ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Đối với trường hợp cần xin quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chủ trương đầu tư.

Trường hợp còn lại, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp.

Hồ sơ gồm có:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Điều lệ công ty

Danh sách thành viên hoặc danh sách cổ đông

Bản sao Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân đối với thành viên là cá nhân, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương ứng khác đối với thành viên là tổ chức.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần hoàn tất các thủ tục khác liên quan đến sử dụng con dấu, thuế, điều kiện kinh doanh,… để có thể đưa doanh nghiệp vào hoạt động trên thực tiễn.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, công ty đó sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định nhà đầu tư có cần tiến hành đăng ký góp vốn với cơ quan đăng ký đầu tư hay không. Nếu công ty mà nhà đầu tư góp vốn kinh doanh những ngành nghề có áp dụng điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài hoặc việc góp vốn, mua cổ phần phần vốn góp làm cho tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên, nhà đầu tư cần đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư.

Hồ sơ đăng ký gồm có:

  • Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
  •  Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Hồ sơ được gửi đến Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có trụ sở trong khu công nghiệp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, sở kế hoạch và đầu tư xem xét hồ sơ ra quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp. Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư tiến hành thủ tục thay đổi thông tin thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Để có thể nhận được tư vấn chi tiết hơn trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp để tiến hành đầu tư, ưu điểm, nhược điểm của từng loại hình đối với dự án đầu tư của nhà đầu tư, hãy liên hệ với chúng tôi để được đội ngũ tư vấn viên giàu kinh nghiệm giúp đỡ cho bạn một cách tận tình, chi tiết với chi phí hợp lý nhất.

* Nếu muốn được giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn thêm Kiến thức về Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp cho Luật Minh Anh theo số Hotline: 0938 834 386 hoặc địa chỉ email: info@luatminhanh.vn