info@luatminhanh.vn

Luật Minh Anh

Minh Anh Law Firm

Hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

” Hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ” Bảo hộ nhãn hiệu là hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm thực hiện các hoạt động xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Việc bảo hộ nhãn hiệu đang ngày càng được coi trọng ở Việt Nam. Nhằm đáp ứng thắc mắc của khách hàng về vấn đề này, Luật Minh Anh sẽ hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cụ thể trong bài viết sau.

Hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Về chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Theo quy định tại Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì, chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

  • Đối với nhãn hiệu thông thường như nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp; nhãn hiệu cho sản phẩm được tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất thì cá nhân, tổ chức có sản phẩm có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
  • Đối với nhãn hiệu tập thể thì tổ chức – đại diện hợp pháp cho tập thể các thành viên của mình có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
  • Đối với nhãn hiệu chứng nhận thì tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Như vậy, tùy vào từng loại nhãn hiệu khác nhau mà chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng được pháp luật quy định khác nhau tương ứng.

Về thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;

– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí;

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận (trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận);

– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu (trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận);

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– 01 giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);

– Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);

– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;

– Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

Về thẩm quyền giải quyết đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của pháp luật hiện hành là Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nộp hồ sơ đầy đủ như luật định đến điểm tiếp nhận hồ sơ của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì cá nhân, tổ chức thực hiện theo quy trình sau:

  • Bước 1: Phân loại nhãn hiệu cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu (Bảng phân loại Ni-xơ).
  • Bước 2: Tra cứu khả năng bảo hộ nhằm xem xét nhãn hiệu mình muốn bảo hộ đã được đăng ký chưa để tránh nộp đơn đăng ký một thương hiệu đã được bảo hộ, bằng một trong cách tra cứu thông thường (qua trang web Thư viện số về sở hữu công nghiệp Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam) hoặc tra cứu chuyên sâu (qua dịch vụ thực hiện tra cứu nhãn hiệu có mất phí).
  • Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp hồ sơ đến các điểm tiếp nhận hồ sơ như trên của Cục Sở hữu trí tuệ.
  • Bước 4: Theo dõi quá trình xử lý hồ sơ:

+ Nếu có yêu cầu bổ sung thì thực hiện bổ sung, hoàn thiện.

+ Nếu hồ sơ hợp lệ thì thực hiện nộp phí và nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ thì bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Về chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Hiện nay, để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì bao gồm hai loại chi phí, đó là: chi phí  nhà nước và chi phí dịch vụ (nếu thuê dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu). Trong đó, chi phí nhà nước bắt buộc mà cá nhân, cơ quan cần phải nộp để được cấp văn bằng bảo hộ gồm có các loại chi phí như: Lệ phí nộp đơn (150.000 đồng); phí công bố đơn (120.000 đồng); phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung (180.000 đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ); phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi (30.000 đồng/01 sản phẩm, dịch vụ); phí thẩm định nội dung: (550.000 đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ); phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi (120.000 đồng/01 sản phầm, dịch vụ). Ngoài ra, khi cá nhân, tổ chức muốn tiết kiệm thời gian – công sức cũng như hạn chế nhất những rủi ro pháp lý và nhận được văn bằng bảo hộ trong thời gian sớm nhất thì có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Theo đó, bên cạnh các chi phí nhà nước, người sử dụng dịch vụ cần trả thêm một mức phí dịch vụ – mức phí này hiện nay còn có nhiều chênh lệch tùy thuộc vào đơn vị cung cấp. Xét thấy, mức phí bỏ ra này so với những giá trị vô hình mà nhãn hiệu phát triển mang lại là nhỏ và rất xứng đáng.

Về thời hạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là một thủ tục hành chính, tuy nhiên, khác biệt với các thủ tục khác, thời hạn để đăng ký thành công và được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tương đối dài. Theo đó, pháp luật quy định thời hạn của các quy trình nhưu thẩm định hình thức là 01 tháng; công bố đơn trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; còn thẩm định nội dung thì không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn. Theo thực định, thời hạn được cấp văn bằng  bảo hộ thường từ 2-3 năm, thậm chí lâu hơn vì lượng đơn đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ luôn quá tải. Nếu có kinh nghiệm thực hiện đăng ký thì thời hạn nhận bằng nhanh nhất sẽ được rút ngắn lại từ 12-15 tháng.

* Nếu muốn được giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn Hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Đăng ký nhãn hiệu độc quyền theo quy định mới nhất. Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp cho Luật Minh Anh theo số Hotline: 0938 834 386 hoặc địa chỉ email: info@luatminhanh.vn